Thiền viện Trúc Lâm là cách gọi quen thuộc của người địa phương và du khách, nhưng tên chính xác của công trình này là Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng, để tránh nhầm lẫn với Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh).
Theo Tạp chí kiến trúc Miền Trung - Tây Nguyên, số chuyên đề về kiến trúc thành phố Đà Lạt của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Thiền viện Trúc Lâm là một trong những nét kiến trúc mới, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm bức tranh kiến trúc toàn cảnh của xứ sở mờ sương.
Khám phá Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt
Trúc Lâm là tên gọi một Thiền phái do vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293) sáng lập. Theo GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc ra đời Thiền Phái Trúc Lâm đã kết thúc thời kỳ các tông phái Phật giáo Việt Nam do người nước ngoài sáng lập, chứng minh Phật giáo đã thực sự “bắt rễ” tại Việt Nam, thực sự được người Việt đương thời tiếp thu và phát triển tạo nên nền Phật giáo Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc.
Thiền Viện Trúc Lâm với diện tích khoảng 20ha là một phần trên ngọn núi Phụng Hoàng - ngọn núi đẹp nhất khu vực thắng cảnh hồ Tuyền Lâm. Dưới những hàng thông xanh và tiếng chim líu lo, thấp thoáng bóng kiến trúc khu Thiền viện cùng các nhà sư làm cho cảnh trí ảo ảo, huyền huyền. Thiền viện Trúc Lâm đã làm sống dậy Thiền Tông thuở nào. Công trình được xây dựng vào tháng 5/1993, đến tháng 3/1994 thì hoàn thành, dựa trên ý tưởng thiết kế và quy hoạch của Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ, có sự góp ý của cố kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ. Công trình gồm có 18 hạng mục chính chia làm hai khu Ngoại viện và Nội viện. Tham gia thiết kế một số hạng mục trong công trình có các tác giả người Đà Lạt như kiến trúc sư Vũ Xuân Hùng và Trần Đức Lộc.
Nếu đi lên từ phía hồ Tuyền Lâm, vượt qua 140 bậc thang bằng đá dài khoảng 500m, vượt qua ba cổng Tam quan mới tới Chánh điện. Ba cổng Tam quan này có kiến trúc gần giống nhau, có trụ xây bằng đá chẻ. Trên đầu trụ có khung đỡ hai tầng mái, lợp ngói ống men màu vàng. Trên đỉnh Tam quan là hình Trùng Hổ đối diện, uốn vào bánh xe Pháp Luân ở giữa.
Vượt qua ba cổng Tam quan vào tới Chánh điện với diện tích gần 200 mét vuông, mặt trước có một cửa lớn với hai cánh cửa lùa bằng gỗ quí, chạm trổ công phu, mỹ thuật. Nội thất Chánh điện rộng thoáng, sáng sủa, thờ tự trang nghiêm mang đầy đủ ý nghĩa của nhà Thiền. Chính giữa thờ tượng Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cao gần 2m tay phải cầm cành hoa sen đưa lên. Bên phải Đức Phật là hình ảnh Bồ Tát Văn Thù cưỡi Sư tử tượng trưng cho Trí tuệ. Bên trái là hình ảnh Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà tượng trưng cho Từ bi. Chánh điện có hai tầng mái, dạng cổ lầu. Mái lợp ống men sáng, uốn nhẹ theo mái đao - hình tượng đặc trưng của Thiền Phái Trúc Lâm đương đại, lĩnh hội đầy đủ những đặc trưng của Đạo Thiền. Mái đao vươn lên giữa trời, tĩnh lặng, thanh thoát, đậm nét chân phương, không mang kiểu dáng cung đình nhưng vẫn rất mạnh mẽ, thể hiện sự siêu thoát. Khác với mái ở Thiền viện miền Bắc là những cụm mây; ở Huế dựa trên hình hoa sen cách điệu; còn mái đao của Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng đơn giản hơn, được phân làm ba ngấn biểu trưng cho ba cảnh giới trong nhà Phật: Dục giới - Sắc giới - Vô sắc giới. Trên mái có gắn bánh xe chuyển Pháp Luân giữa hai con Trùng Hổ uốn lượn. Một hành lang rộng thoáng chạy quanh Chánh điện. Chỉ có hành lang phía trước có dựng bốn cột tròn giả gỗ, còn lại hai bên và hậu điện không có cột đỡ mái. Đây là nét riêng của công trình kiến trúc nơi Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng Đà Lạt.
Tuân theo quy tắc bố trí chùa viện của Việt Nam “Tiền phật hậu tổ” phía sau Chánh điện là Tổ đường. Cùng với Chánh điện thì Tổ đường là hạng mục trọng điểm nơi Thiền viện. Mặt trước Tổ đường có ba gian cửa lớn, một hành lang rộng chạy quanh với hàng lan can ba mặt, tạo cho Tổ đường kiểu dáng mạnh mẽ thâm nghiêm. Nội thất Tổ đường có bốn cột tròn, chia thành ba căn. Căn giữa rộng, hai căn bên hẹp. Hai đầu sân Chánh điện là hai tháp chuông và trống. Kiểu dáng chúng gần giống nhau, trên có hai tầng mái lợp ngói men, mái uốn cong theo dáng mái đao. Chung quanh mặt nền có lan can. Bốn phía chạm khắc các phù điêu phổ biến trong nhà Thiền. Nếu như tháp chuông có vẻ thanh thoát thì tháp trống lại mang vẻ trầm hùng hơn.
Ngoài ra, khu Ngoại viện còn có Tham vấn đường, Nhà khách, Thư viện, Nhà trưng bày và Nhà khách nữ vãng lai. Tất cả các hạng mục trên đều mang hơi hướng kiến trúc đậm bản chất Thiền Tông. Khu nội viện được chia ra làm Nội viện tăng và Nội viện ni. Cách ly với khu Ngoại viện bằng một hàng rào trúc xanh và một cổng sắt luôn khép kín là khu Nội viện tăng. Cách khu Ngoại viện và Nội viện tăng khoảng 500m, nằm biệt lập nơi sườn núi phía Bắc là khu Nội viện ni. Nội viện tăng và Nội viện ni là nơi sinh hoạt và học tập của tăng, ni (sư nam, sư nữ), vì vậy các hạng mục ở đây ngoài kiến trúc chung thống nhất của phái Trúc Lâm còn được thiết kế phù hợp với tiêu chí của Thiền viện.
Kiến trúc sư Trần Đức Lộc - người tham gia thiết kế Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng cho biết: “Hầu hết mô típ kiến trúc của các thiền viện đều giản dị, đường nét thanh thoát hài hòa. Trong mười thiền viện của Việt Nam, Thiền viện Trúc Lâm của Đà Lạt được đánh giá là tiêu biểu, vừa mang hơi thở đương đại mà rất đậm đà bản sắc dân tộc, vừa thanh thoát tôn nghiêm nhưng lại hết sức đơn sơ gần gũi phản ánh đúng bản chất Thiền tông. Công trình này hoàn toàn bảo đảm các yếu tố về du lịch mà không ảnh hưởng đến yếu tố tín ngưỡng. Thực tế chứng minh Thiền viện Trúc Lâm đã và đang là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ với Phật tử mà cả khách du lịch thập phương”.
Chị Zou Jiaho - một du khách Trung Quốc cho biết: Nhìn tổng thể bề ngoài thì kiến trúc của nơi này có vẻ giống với ở Trung Quốc, nhưng nhìn kỹ lại chi tiết thì có nhiều điều khác hơn, ở Trung Quốc mái ngói cầu kỳ hơn. Màu sơn ở đây nhạt hơn, không gian rộng và thoáng hơn. Hình thức thờ tự có vẻ đơn giản hơn. Trên tường, cửa, bàn thờ… hoa văn của thiền viện chủ yếu là hoa, cảnh, còn của Trung Quốc chạm khắc chủ yếu về lịch sử.
Du lịch Đà Lạt đến Thiền viện Trúc Lâm, ngoài cảm thấy tĩnh tâm, yên bình thì nơi đây thực sự rất đẹp.
Đây là một công trình Phật giáo thuần Việt, lại nằm trên một mảnh đất chịu ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Pháp, trong khuôn viên của khu du lịch nổi tiếng nhưng nó vẫn mang nét kiến trúc uy nghi, thâm nghiêm. Công trình truyền tải hình thức kiến trúc đặc trưng của phái Thiền viện Trúc Lâm.
Nét độc đáo riêng về kiến trúc cộng với vị trí địa lý đắc địa và những thuận lợi về thế đất, cảnh quan… đã đưa Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng, thu hút hàng ngàn khách du lịch thập phương đến vãn cảnh, lễ Phật và tìm hiểu về Thiền Tông Việt Nam.
Nguồn: Baolamdong.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét